Vườn chanh tứ quý của Nguyễn Tuấn Anh nằm giữa những thửa ruộng bỏ hoang trên cánh đồng Ngói,ồngchanhbonsaiđónTếty le ca cuoc 24h xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy. Trong vườn, nhóm nhân công người tưới nước, người nhỏ cỏ, uốn cành tạo dáng cho những cây chanh quả đã mọng nước nhưng vỏ còn xanh.
Trước khi khởi nghiệp với cây chanh tứ quý, anh Tuấn Anh từng trải qua 7 năm làm hướng dẫn du lịch. Tới nhiều vùng nông thôn, anh thấy thợ sửa xe máy thiếu dụng cụ chuyên nghiệp nên sửa rất lâu. Vốn thích cơ khí, anh mày mò tìm hiểu, chế tạo ra máy tháo lốp. Sản phẩm đắt hàng, anh quyết định bỏ du lịch, chuyển sang nghề cơ khí.
Đang ổn định với nghề mới, năm 2018, anh bất ngờ nói với gia đình đầu tư quy mô lớn vào nông nghiệp. "Cả gia đình ngạc nhiên vì nghề cơ khí đang cho thu nhập tốt, còn quay về làm nông vất vả, chịu nhiều rủi ro. Thực ra, tôi chỉ muốn tận dụng ruộng đất bỏ hoang ở quê", Tuấn Anh giải thích. Vùng đất quê anh vốn trũng, nhiều chuột, trồng lúa không hiệu quả nên bị bỏ hoang nhiều năm.
Sau nhiều ngày tìm hiểu các mô hình nông nghiệp, cây giống, anh Tuấn Anh quyết định chọn chanh tứ quý. "Không chỉ ăn quả, trong phong thủy cây chanh còn giúp loại bỏ các nguồn năng lượng xấu, mang lại năng lượng tích cực, đem lại may mắn cho gia chủ nên có thể trồng làm cảnh", anh nói.
Anh thuê người cải tạo ba mẫu ruộng của gia đình rồi tới Hưng Yên nhập 5.000 cây giống chanh tứ quý. Giống cây xuất xứ từ châu Mỹ, cho quả quanh năm, vị chua, mọng nước. Khi chín, quả màu vàng tươi, thích hợp để làm cảnh.
Chủ vườn chia cây giống làm hai loại. 3.000 cây trồng để thu hoạch quả, lá và tạo cây giống sau này. Số còn lại được ghép vào gốc bưởi để ra loại cây khỏe hơn, dễ tạo thế bonsai, bán vào dịp Tết với giá cao.
Để chanh có cả quả chín vàng, quả xanh, hoa và lá chơi dịp Tết, anh Tuấn Anh phải tính thời điểm tỉa cành, rẽ lá. Đợt quả đầu tiên ra vào tháng 2 Âm lịch và sẽ chín vàng sau 8 tháng. Giữa năm là lúc cây chanh bonsai cho ra đợt quả thứ hai, khi xuất bán quả vẫn còn xanh. Sau khi chơi Tết, cây chanh chỉ cần được tưới nước, bón phân vi sinh định kỳ là tiếp tục sinh trưởng, cho quả dùng quanh năm.
Tuấn Anh chỉ sử dụng phân vi sinh, phân chuồng ủ mục, đậu đỗ tương ngâm thay cho phân đạm hóa học. Hệ thống tưới nước tự động được thiết kế đến từng gốc cây giúp vườn chanh khỏe mạnh, đẹp mã. "Phương pháp này khiến chi phí cùng công chăm sóc sẽ cao, nhưng cây bền, khỏe, người chơi có thể ăn quả, lá, mà không phải lo lắng", anh giải thích.
Sau hai năm tạo phôi, cây chanh được anh đưa lên chậu uốn thế. Cành chanh dễ gãy, nhiều gai. Anh và người nhà tự uốn đều không được, hỏng hàng trăm cây giống nên phải mời thợ chuyên về giúp, chấp nhận chi phí cao. Mỗi năm, nhóm thợ Nam Định sẽ ra hai lần để uốn thế và chỉnh sửa dáng cây, mỗi lần hai tháng, tiền công 700.000 đồng một người một ngày.
Chanh bonsai phải mất 4-5 năm mới bán được, trong khi đó tất cả tài sản tích góp từ nghề cơ khí cùng mấy tỷ vay ngân hàng anh Tuấn Anh đều đầu tư vào vườn chanh. "Chăm vườn vất vả, lại chưa ra tiền, không dưới 10 lần tôi muốn từ bỏ. Rất may gia đình và bạn bè đã thường xuyên động viên, hỗ trợ", anh chia sẻ. Hiện anh vẫn làm máy tháo lốp xe để có thu nhập, trang trải chi phí trồng chanh.
Vườn chanh đến nay đã được mở rộng lên 10 mẫu với 2.000 cây bonsai lên chậu, sẵn sàng cho vụ Tết. Chủ vườn đang xây dựng thêm kênh quảng bá trên Youtube và các nền tảng xã hội khác để khách hàng biết đến sản phẩm mới này.
Lãnh đạo UBND xã Thuận Thiên đánh giá trồng chanh bonsai là mô hình mới, duy nhất ở huyện Kiến Thụy, có nhiều tiềm năng phát triển. Mô hình này đã tận dụng đất bỏ hoang nên được các cấp quan tâm, hỗ trợ vay vốn chính sách.
Lê Tân